Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa giáp cốt
nghìn 千
◎ Nôm: 𠦳 Trong giáp cốt văn, là chữ hình thanh, gồm {一 +人}. Mà 人 có âm HTC với thuỷ âm ŋ- (x. người), làm thanh phù cho chữ 忎 (cổ văn > 仁 nhân), và 秊 (> 年 niên) [An Chi 2006 t4: 267- 268]. Mối quan hệ ŋ- / ɲ- / n- đã được chứng minh. Lưu tích của vần còn bảo lưu qua các cặp nhân - nhin, ngàn - nghìn. Ss đối ứng ŋjn (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 249].
dt. số đếm, ngàn. (Ngôn chí 10.8, 13.8)‖ (Thuật hứng 64.7)‖ (Tự thán 77.8, 87.2, 93.8, 94.5, 102.3)‖ (Bảo kính 136.8, 154.4, 155.1)‖ Láng giềng một áng mây bạc, khách thứa hai nghìn núi xanh. (Bảo kính 169.6, 169.8)‖ (Thiên tuế thụ 235.2)‖ (Lão hạc 248.7). x. la ngàn.
sâu 龝
◎ Nôm: 蝼 (thanh phù lâu 娄). AHV: thu. Đây vốn là chữ tượng hình trong giáp cốt văn, vẽ hình con trùng đang leo lên thân cây. An Chi cho rằng sâu là âm gốc Hán rất xưa của thu - mùa của sâu bọ. “mùa sâu” là mùa côn trùng kêu rả rích, cây cối tàn tạ, nên còn gọi là mùa sầu. Tuy nhiên, trong tiếng Hán, chữ 秋 không còn bảo lưu nghĩa “mùa sâu” nữa, mà chỉ có nghĩa phái sinh “sầu” (秋 thu: sầu, và 愁 sầu: sầu). [An Chi 2006: 190-194]. Kiểu tái lập: *krau¹ [TT Dương 2012c]. Xét, sâu gốc Hán, bọ - dòi gốc Việt-Mường. Ss đối ứng doj (13 thổ ngữ Mường), ʂɤw (3) [NV Tài 2005: 267]. x. ruồi.
dt. loài trùng chuyên ăn thảo mộc. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, nẻo có sâu, thì bỏ canh. (Bảo kính 136.6).
vui 盃 / 𬐩
◎ {司 tư + 盃 bôi}. Kiểu tái lập : *tbui. so sánh với đối ứng pui (Mẫn Đức, Mỹ Sơn, Làng Um, Suối Sàng, Thạch Bi) trong tiếng Mường, nhẫn Gaston tái lập là *kbui [1967: 131]. Shimizu Masaaki dẫn đối ứng tapuj¹ trong tiếng Rục [2002: 769; x. TT Dương 2012a]. Có thuyết khác cho vui là âm THV của dự 豫. Xét, đối ứng d- (AHV) v- (THV), như 役 dịch / việc. x. việc. Mặt khác, dự còn có nghĩa gốc là con voi, mà voi là một từ THV của vi (theo tự hình giáp cốt văn là vẽ hình con voi). Tồn nghi.
tt. trái với buồn. Vui xưa chẳng quản đeo âu (Ngôn chí 19.8), dịch câu tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ) của văn chính Phạm Trọng Yêm đời Tống‖ Khó miễn vui. (Thuật hứng 58.7), dịch câu an bần nhi lạc‖ (Tự thán 99.8), Nguyễn Trãi trong bài Ngẫu thành có câu “Tu thân mới biết làm điều thiện là vui.” (修己但知為善樂 tu kỷ đãn tri vi thiện lạc).
đgt. mừng. (Tự thán 103.7)‖ Đổi lần đã mấy áng phồn hoa, dầu ngặt, ta vui đạo ta. (Bảo kính 168.2), dịch câu an bần lạc đạo.
Y Doãn 伊尹
dt. Đại thần thời đầu nhà Thương. Tên là Chí 摯, cũng gọi là Y Chí 伊摯. Doãn 尹 là chức quan. Trong giáp cốt văn Ân Khư, có lúc gọi tắt là Y. Đầu nhà Thương, vua Thang dùng ông làm Tiểu thần, sau giao làm quốc chính. Phụ tá thang phạt Kiệt diệt Hạ, dựng nên nhà Thương, giữ chức a hành hoặc Bảo hành. Sau khi Thang chết năm 1761 tcn, con là Thái Đinh chưa lập đã chết, ông lần lượt phò tá hai vua Bốc Bính tức là Ngoại Bính và Trọng Nhâm. Sau khi Trọng Nhâm chết, ông lại phụ lập Thái Giáp con của Thái Đinh. Y Doãn là nguyên lão phụ chính 4 triều vua dạy dỗ các vị vua trẻ rất cẩn thận. Ông nói với Thái Giáp: Bậc đế vương phải yêu dân, càng phải chăm chỉ học tập tinh thần trị nước của tổ phụ thang. ông còn lấy bài học của Hạ Kiệt mất nước để khuyên răn Thái Giáp. tuy nhiên, Thái Giáp từ nhỏ sống trong cảnh quyền quý, chỉ hưởng lạc mà không làm việc. Thái Giáp không nghe những lời dạy của Y Doãn, vẫn chơi bời phóng túng. Thấy Thái Giáp như vậy, Y Doãn đày vua đến cung đồng 桐 gần lăng miếu của thành thang và tự mình nắm quyền chính. Ông còn sai người đến giám sát Thái Giáp để vua suy nghĩ và tỉnh ngộ. Sau 3 năm, Thái Giáp hiểu ra sai lầm của mình, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Khi thấy Thái Giáp biết tu tỉnh, Y Doãn đích thân đến đón rước vua về kinh đô và trao lại quyền hành cho Thái Giáp. Thái Giáp trở thành một vị vua giỏi của nhà Thương. Tương truyền Y Doãn sống hơn 100 tuổi mới mất. Công lao khai quốc và dìu dắt vua nhỏ đã khiến ông trở thành môt biểu tượng cho hiền thần trong quan niệm của nho sĩ đời sau: “thánh chi nhậm giả” (Mạnh Tử- vạn chương hạ). Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn, nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh. (Bảo kính 131.3).